Chiến lược nhân sự: Công bằng để vững bền
Bất kể với một DN, nếu chiến lược con người mà không có, hay có mà không đúng, thì cho dù chiến lược kinh doanh có hay đến đâu, quyết tâm của đội ngũ nhân sự có cao đến mấy thì cũng khó thành công, kể cả với các DNGĐ.
Mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các DNGĐ luôn cần có chiến lược về nhân sự tốt, coi đó là yếu tố tiên quyết để vững bước thành công. Nếu không DN sẽ dần mất lợi thế cạnh tranh, mất dần thị trường …
Với các DNGĐ, việc khởi nghiệp thường bắt đầu từ qui mô nhỏ cùng một mô hình quản lý chủ yếu dựa vào huyết thống, quan hệ ruột thịt. Mối thân tình đó đã mang lại một số ưu điểm nhất định như: có sẵn sự tin tưởng lẫn nhau, không câu nệ với bất kỳ công việc nào, thậm chí không có lương (hoặc tiền lương thấp…) cũng không vấn đề. Tuy nhiên, sau một thời gian ổn định và phát triển, qui mô doanh nghiệp dần lớn mạnh hơn nhưng mô hình quản lý, lãnh đạo dường như không mấy thay đổi. Các hoạt động của DN vẫn dựa trên mối quan hệ thân quen, không thực sự dựa trên khả năng, quyền hạn, trách nhiệm và năng lực thật sự của mỗi người….
Các vị trí chủ chốt và quan trọng hầu như đều do người nhà nắm giữ (mặc dù trong số họ, vẫn có người chưa đủ hoặc không có năng lực quản lý, lãnh đạo.…) Chính những điều này sẽ là rào cản lớn trong việc duy trì và xây dựng được một nguồn nhân lực ổn định cho DN; những nhân viên giỏi là người ngoài rất có thể sẽ ra đi.
Trong một thị trường cạnh tranh ngày một quyết liệt, khi con người lại luôn “là trọng tâm, là chìa khóa thành công của mọi chiến lược”, nếu DNGĐ không có những chiến lược nhân sự bài bản và chuyên nghiệp, tạo một môi trường công bằng và minh bạch trong DN, không có sự phân biệt giữa người ngoài và người nhà, … thì rất có thể DN sẽ dần đi vào ngõ cụt.
Liên quan đến vấn đề này, chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 ngày 27/5/2018 sẽ lên sóng chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Chiến lược nhân sự”. Theo đó, chương trình đề cập tới một DN hoạt động thành công trong 20 năm ở lĩnh vực vật liệu xây dựng. Sau một thời gian du học và làm việc ở nước ngoài, con trai của chủ tịch HĐQT đã về nước và được chuyển giao vị trí CEO. Sau nhiều đề xuất cải tổ (về quy trình sản xuất, marketing, hành chính và nhân sự…) mang tính thuyết phục cao và được các cổ đông phê chuẩn, CEO tiếp tục mạnh dạn đề nghị cải tổ hệ thống nhân sự, thông qua việc lên kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho toàn thể nhân viên, chủ yếu là các vị trí quản lý và điều hành khác nhau để đảm bảo năng lực chuyên môn và đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp của họ. Ngoài ra, theo phương án quy hoạch cán bộ do CEO đề xuất, với những nhân vật đủ năng lực, đủ tài – đủ tầm (không kể là người trong nhà hay người ngoài), có khả năng đảm nhận các vị trí then chốt, công ty sẵn sàng đầu tư để tham gia các khóa đào tạo đặc biệt và có quy mô, kể cả ở nước ngoài; đồng thời cho họ tham gia vào những vấn đề chuyên sâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi CEO đưa đề án này ra bàn bạc thì ngay lập tức bị các thành viên còn lại trong HĐQT phản đối. Họ cho rằng công sức của bao thế hệ mới gây dựng được cơ ngơi hiện tại, nên cái gì tốt nhất, hay nhất thì phải để cho con cháu trong nhà hưởng trước. Các vị trí lãnh đạo cũng nên ưu tiên đầu tư cho người nhà, không nên mạo hiểm giao cho người từ bên ngoài.…… Bởi vậy, các cổ đông nhất quyết không đồng tình với quan điểm của CEO.
Ý kiến của CEO đã nhận được sự ủng hộ từ không ít khán giả fanpage chương trình. Bạn Sơn Lâm chia sẻ: “Trân trọng quá khứ là đúng nhưng tất cả phải hướng tới một tầm nhìn dài hạn trong tương lại. Sự vững chắc của công ty phải được xây dựng từ giá trị công bằng, lấy yếu tố chiêu hiền đãi sĩ làm nền tảng… Có như vậy DN mới thu hút được người tài. Còn nếu chúng ta cứ đặt nặng tính chất gia đình lên thì đó sẽ là rào cản lớn”.
Cũng có khá nhiều ý kiến lại tỏ ra đồng tình với quan điểm của các cổ đông. Bạn Minh Đức khẳng định: “Giá trị cốt lõi của 20 năm qua của DN là gì? Đó chính là yếu tố văn hóa gia đình, là cái máu kinh doanh của các thành viên trong cùng một nhà, là sự đồng cam cộng khổ…. CEO phải trân trọng điều đó. Nếu vội vàng bác đi thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Kinh nghiệm cho thấy nếu làm mạnh tay, sẵn sàng đạp đổ cái cũ thì trước sau gì DN cũng nhận trái đắng”.
Những ý kiến trái chiều như vậy luôn tạo nên một diễn đàn mở đầy thu hút và hữu ích cho những ai theo dõi Chương trình CEO – Chìa khóa thành công. Bởi tình huống của doanh nghiệp được đặt ra trong chương trình cũng chính là bài toán mà nhiều doanh nghiệp sẽ phải giải trong thực tế phát triển.
Theo Văn Hóa Doanh Nhân
----------------------------------------------
ĐỒNG PHỤC CAO CẤP - GOLDEN LION
Hotline: (028) 3503 6689 - 091 111 4866
Email: support@sutuvang.net